CHIẾN DỊCH CỦA SỨC MẠNH TỔNG HỢP

Thứ tư - 18/10/2023 16:02
BPO - Với tinh thần “tận tụy, sáng tạo, quyết liệt, thần tốc”, chiến dịch “90 ngày, đêm” thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã thu nhiều kết quả tích cực, không chỉ thể hiện ở những con số mà tinh thần đoàn kết của cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã được phát huy tối đa, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Quá trình triển khai chiến dịch đã mang lại rất nhiều bài học kinh nghiệm quý cho ngành công an và các sở, ngành, địa phương trong hành trình thực hiện thành công Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06).

Từ dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” đến “Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân” và nay là “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử”, Công an tỉnh Bình Phước đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, chạy đua với thời gian để mỗi người dân đều có “tấm vé” bước vào ngôi nhà chuyển đổi số.

Đồng thuận, quyết liệt

Ngày 19-6-2023, UBND tỉnh Bình Phước ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch “90 ngày, đêm” thu nhận, kích hoạt tài khoản ĐDĐT cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh (từ ngày 20-6 đến 20-9-2023). UBND tỉnh đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị triển khai đồng bộ; tập trung tối đa phương tiện, lực lượng, thiết bị đến từng xã, phường, thị trấn, từng thôn, ấp, khu dân cư để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ công dân đăng ký, kích hoạt tài khoản ĐDĐT với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”; “cán bộ, công chức, viên chức và gia đình, bạn bè, người thân phải gương mẫu, đi đầu trong đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh”; “mỗi cán bộ, công chức, viên chức tuyên truyền, hướng dẫn cho tối thiểu 10 người dân cài đặt ứng dụng VNeID”… Việc triển khai thực hiện kế hoạch đã có sự đồng thuận, hiệp lực “trên dưới một lòng” từ tỉnh đến cơ sở; có sự quyết liệt, gương mẫu, sáng tạo, đi đầu của người đứng đầu các cấp; phát huy sự trợ giúp tích cực của các tổ công nghệ số cộng đồng.


Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Chơn Thành hướng dẫn hội viên khai thác tiện ích của định danh điện tử mức độ 2


Người dân xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp được cán bộ Công an xã hướng dẫn nộp thủ tục hành chính trực tuyến trên cơ sở khai thác tiện ích của định danh điện tử mức độ 2

Bà Nông Thị Thuận, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng ấp 3, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú chia sẻ: Nắm chắc đặc điểm từng hộ gia đình, khu dân cư chính là lợi thế để chúng tôi đến vận động người dân ra các điểm cài đặt. Trong ấp đa phần là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, có người không biết chữ nhưng khi được giải thích, vận động thì ai cũng hiểu và làm theo. Sau khi cài đặt, người dân đã phản hồi tích cực vì sử dụng ứng dụng VNeID ngay trên điện thoại rất tiện lợi, đi khám bệnh, giải quyết thủ tục hành chính không phải mang theo nhiều loại giấy tờ như trước.


Công an thành phố Đồng Xoài hướng dẫn người dân tải và cài đặt ứng dụng 
VNeID trên điện thoại di động

Trong từng giai đoạn của chiến dịch, các địa phương, đơn vị đã linh hoạt thay đổi hình thức tuyên truyền để phù hợp với địa bàn, khu dân cư. Đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều nơi đã triển khai liên tục, xuyên suốt trong, ngoài giờ hành chính, các ngày trong tuần và cả ngày nghỉ, bất kể ngày hay đêm. Có những trường hợp người già yếu, bệnh tật, gặp khó khăn trong đi lại... đều được tổ công tác đến tận nơi làm thủ tục cấp căn cước công dân (CCCD) và cài ĐDĐT. Cách làm này không chỉ đem lại kết quả cụ thể là hoàn thành mục tiêu đề ra mà còn tạo sự gần gũi, thân thiện, nghĩa tình với nhân dân.

Giải pháp của chúng tôi là không tuyên truyền ồ ạt, không tuyên truyền khi còn mơ hồ, chưa nắm vững thông tin. Tùy từng đối tượng là người lớn tuổi, học sinh, công nhân, cán bộ, công chức mà có cách tuyên truyền phù hợp; chia ra thành nhiều chiến dịch nhỏ, thi đua nội bộ, thi đua giữa các tổ dân cư với nhau. Quan trọng là giúp người dân nhận ra những lợi ích thiết thực của ĐDĐT, từ đó sẽ tự nguyện đăng ký với tinh thần phấn khởi, hợp tác.

Đại úy ĐẬU XUÂN CỬU,
Trưởng Công an thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản

Lực lượng công an cũng căn cứ vào đặc thù của từng địa phương để chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, các kênh sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), đài truyền thanh cấp huyện, xã và tuyên truyền lưu động hơn 10.500 lượt… Từ đây đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình mới rất sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực. “Với địa bàn có khu công nghiệp, tỷ lệ biến động dân cư diễn ra thường xuyên, bên cạnh tuyên truyền bằng hình thức thông thường, phường đã thành lập các tổ lưu động, di chuyển máy móc đến từng khu công nghiệp để thực hiện kích hoạt ĐDĐT, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công dân ở các tỉnh khác đang sinh sống và học tập, lao động tại địa phương làm CCCD và đăng ký tài khoản ĐDĐT mức độ 2” - Đại úy Lê Thái Hòa, Công an phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài cho biết.


Công an phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài linh hoạt các giải pháp để tất cả người dân đủ điều kiện đều được cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2

Có CCCD gắn chíp cùng với tài khoản ĐDĐT được xem là “chìa khóa vạn năng” mở ra cho người dân nhiều tiện ích. Đặc biệt, tài khoản ĐDĐT mức độ 2 có giá trị tương đương thẻ CCCD gắn chíp, có giá trị như sổ hộ khẩu điện tử, thay thế các loại giấy tờ; phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; khám chữa bệnh; phản ánh, kiến nghị về tình hình an ninh trật tự, tố giác, tin báo về tội phạm...

Huy động sức mạnh nội lực

Qua đánh giá, chiến dịch “90 ngày, đêm” đã được cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đặc biệt có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, sự huy động tổng thể các nguồn lực cùng tham gia thực hiện. Bởi đây không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng công an mà là của chung toàn hệ thống chính trị.

Trong cao điểm chiến dịch, sở đã phối hợp các nhà mạng viễn thông chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, xác thực thuê bao chính chủ để việc cài đặt ĐDĐT hoàn thành nhanh, đúng, đủ, sạch, sống. Phối hợp triển khai chữ ký số cá nhân cho người dân, doanh nghiệp tại các điểm cấp ĐDĐT để thuận tiện khi thực hiện các giao dịch điện tử sau này. Đồng thời đảm bảo đường truyền, nâng cấp chất lượng mạng 3G, 4G để người dân đăng ký thông suốt, an toàn.

Ông NGUYỄN MINH QUANG,
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Kết thúc chiến dịch, tính đến ngày 20-9-2023, toàn tỉnh thu nhận được 607.583/859.549 trường hợp, đạt 70,68% hồ sơ cấp tài khoản ĐDĐT cho công dân đủ điều kiện (mức 1, 2), so với trước chiến dịch tăng 342.166 hồ sơ. Tài khoản ĐDĐT mức 1, 2 được kích hoạt là 328.660/502.775 (đạt 65,36% chỉ tiêu), tăng 220.582 tài khoản so với trước chiến dịch…


100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang toàn tỉnh đã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2

Mặc dù đã hoàn thành chỉ tiêu cấp tài khoản ĐDĐT cho 40% dân số trên địa bàn (tương đương 502.000 tài khoản) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ song tỷ lệ kích hoạt mới đạt hơn 70%, đặc biệt vẫn còn số lượng lớn công dân đã có CCCD gắn chíp nhưng chưa có tài khoản ĐDĐT và công dân đã có tài khoản ĐDĐT nhưng chưa được kích hoạt.

Chiến dịch không chỉ dừng lại ở ngày 20-9-2023 mà còn tiếp tục thực hiện sâu rộng, thực chất hơn trên cơ sở kết quả đã đạt được trong chiến dịch lần này nhằm “bám địa bàn, bám người dân”, phấn đấu đạt 100% công dân từ 14 tuổi trở lên cài đặt, kích hoạt ứng dụng VNeID”.

Thượng tá HỒ NGỌC CHIẾN,
Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh

Chiến dịch “90 ngày, đêm” thu nhận, kích hoạt tài khoản ĐDĐT cho công dân đủ điều kiện là chủ trương lớn của tỉnh trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Đây là đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp. Không chỉ ở chiến dịch này mà thời gian qua, Bình Phước đã thực hiện thành công nhiều chiến dịch tương tự như: “Chiến dịch 50 ngày đêm” (năm 2021) đã đưa Bình Phước từ vị trí 47 của cả nước về kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia vươn lên vị trí số 1, đồng thời đứng thứ 2 về cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử. Tiếp đến là Chiến dịch 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số” (năm 2022) đã nâng tỷ lệ dịch vụ công được xử lý trực tuyến của tỉnh đạt hơn 99%... Có thể thấy, ở mỗi chiến dịch đều khơi dậy được nội lực của người dân Bình Phước khi đứng trước một giai đoạn phát triển mới của tỉnh nhà. Từ đó khẳng định, Bình Phước không “đi sau, về muộn” mà đã vươn lên “đi trước, đón đầu” bằng chính nội lực để khẳng định vị trí của mình với các tỉnh, thành trong khu vực và với cả nước.

Tác giả: theo baobinhphuoc.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập256
  • Hôm nay14,515
  • Tháng hiện tại392,417
  • Tổng lượt truy cập24,234,958
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây