“Tài khoản định danh điện tử”, “Định danh điện tử” là khái niệm được đề cập khá nhiều thời gian qua. Để hiểu chính xác, đầy đủ và trở nên thông dụng như “chứng minh nhân dân”, “hộ khẩu”, hay gần đây hơn là “căn cước công dân”, “căn cước công dân điện tử”… thì “tài khoản định danh điện tử”, “định danh điện tử” còn khá mới mẻ, thậm chí còn xa lạ với nhiều người.
Không cần thiết với nhiều người, nhưng cũng rất có ích với không ít người chưa hiểu rõ khái niệm này: Tài khoản định danh điện tử là một tài khoản được tạo lập và xác thực trên hệ thống VNeID của Bộ Công an. Tài khoản này chỉ cấp cho những người có nhu cầu và đủ điều kiện nhất định. Công dân sẽ dùng mã số định danh cá nhân (là mã số trên căn cước công dân gắn chíp) và số điện thoại hoặc email để đăng ký. Và từ ngày 20-10-2022, công dân có thể dùng thông tin định danh điện tử để chứng minh nhân thân thay cho thẻ căn cước công dân gắn chíp bản cứng. Có tài khoản này, khi làm các thủ tục hành chính cần xuất trình giấy tờ, công dân chỉ cần mở ứng dụng và trình các giấy tờ đã tích hợp trong ứng dụng cho đơn vị yêu cầu…
Thông tin và sự hữu ích của tài khoản định danh điện tử là như thế. Vậy nhưng, thói quen sử dụng thủ tục hành chính, giấy tờ theo công nghệ thời 3.0 vốn đã ăn sâu vào nếp sống của một bộ phận dân cư. Để chuyển sang sử dụng thủ tục theo công nghệ 4.0 như trên hệ thống VNeID của Bộ Công an, không phải dễ, đặc biệt là với lứa tuổi trung niên trở lên.
VNeID cũng như nhiều ứng dụng, công cụ khác thời công nghệ 4.0, không làm khó được thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ 2K (sinh năm 2000 trở đi). Nhưng với nhiều người “đời đầu” của thế hệ X (7X, 8X…), chỉ yêu cầu gần, xa, lên, xuống trước camera để nhận diện khuôn mặt, quét võng mạc cũng không hề dễ, nhiều khi được thực hiện một cách chật vật khá hài hước.
Với đồng bào dân tộc thiểu số, rào cản còn đến từ nhiều thuật ngữ trong ứng dụng. Với vùng nông thôn, vùng sâu, biên giới, rào cản còn là internet, là trang bị thiết bị điện tử…
Thời điểm này, vào các ấp, sóc, đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện thoại thông minh đã khá phổ biến. Song một thực tế không thể phủ nhận, việc sử dụng thành thục các ứng dụng trên thiết bị thông minh đó, với người thường xuyên sử dụng cũng không hề dễ dàng. Thế nên với gần 20% dân số đồng bào dân tộc thiểu số và một tỷ lệ khá lớn khác ở vùng sâu, vùng biên giới không thường xuyên sử dụng các ứng dụng thông minh, bài toán này không dễ giải với Bình Phước.
Chiến dịch "90 ngày, đêm" đặt mục tiêu nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, tiện ích của việc sử dụng tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNeID với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, song không khó nhận thấy đối tượng hướng tới của chiến dịch là cộng đồng dân cư nào. Chiến dịch đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hàng ngàn người đã được cầm tay hướng dẫn, đã đặt một tay, đã bước một chân vào thế giới của thủ tục hành chính 4.0…
Hầu hết chỉ tiêu quan trọng của chiến dịch đã hoàn thành. Thế nhưng, có thể trở nên thông dụng, đi vào đời sống, trở thành công cụ của cả một giai đoạn hành chính mà ai cũng biết, cũng “nằm lòng” như chứng minh nhân dân, hộ khẩu… thời gian qua, định danh điện tử còn cần có thời gian.
Và không chỉ 90 ngày, đêm vừa qua, việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân chắc chắn rồi sẽ được xem như một việc bình thường hằng ngày cho đến khi không ai cần hỗ trợ nữa. Đơn giản là bởi 4.0 đã, đang và sẽ ngày một đi sâu hơn vào mọi ngõ ngách của đời sống. Rồi đây, sẽ còn nhiều “VNeID” khác nữa, cả hệ thống chính trị và mỗi người trong cộng đồng, cùng phải luôn sẵn sàng đón nhận.
Tác giả: theo baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn