Đó là phương châm “gần dân” của chính quyền xã An Khương (Hớn Quản) trong việc thực hiện quy định về trao đổi, đối thoại với dân theo Điều 125 - Luật tổ chức chính quyền địa phương, được ông Bùi Duy Dũng – chủ tịch xã chia sẻ.
Điều 125, Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định, hằng năm UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với dân về tình hình hoạt động của UBND và những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương; trường hợp quy mô đơn vị hành chính cấp xã quá lớn, có thể tổ chức trao đổi, đối thoại theo từng cụm thôn, tổ dân phố…
Chọn cách gần dânVới quy mô đơn vị hành chính không lớn, địa bàn dễ đi lại, và dân số chỉ khoảng 7 ngàn người, nhưng chính quyền xã An Khương không chọn cách tổ chức Hội nghị ở xã, cũng không họp cụm dân cư. Lãnh đạo, cán bộ xã này đã đến tận địa bàn từng ấp, sóc để gặp gỡ và nghe dân nói.
Buổi họp sáng ngày 8/5 tại văn phòng ấp 7 diễn ra sôi nổi hơn thường lệ. Hôm đó, vì tránh mất thì gờ của dân nên xã kết hợp hai nội dung đối thoại với lãnh đạo xã và tiếp xúc cử tri của ứng cử viên Hội đồng nhân dân xã.
Sau phần giới thiệu và trình bày chương trình hành động của các ứng cử viên, Chủ tịch xã phát biểu: “Trước hết, bà con cứ mạnh dạn và thẳng thắn đóng góp cho chương trình hành động của các ứng cử viên, sau đó trình bày tâm tư nguyện vọng của mình, những bức xúc về những việc lâu nay chưa được giải quyết ở địa phương và công việc tiếp dân của các bộ phận chuyên môn ở xã thời gian qua có vấn đề gì không…”.
“Tôi xin có ý kiến”, một cánh tay dơ lên: “Tôi rất mong các vị ứng cử đại biểu Hội đồng xã, nếu trúng cử lần này thì giúp bà con ấp 7 làm cây cầu bắc qua suối nối tổ 2 và 3 để người dân và con em đến trường bớt khổ sở vào mùa mưa”. Ông Phạm Văn Phương (76 tuổi) mở đầu phần phát biểu.
Ông Phương vừa dứt lời, ông Nguyễn Văn Bình (69 tuổi), đứng lên: “Tôi rất hoan nghênh các vị lãnh đạo xã, ấp vừa qua đã làm được đường bê tông, tạo thuận lợi cho bà con đi lại. Tuy nhiên, còn đoạn đường vào 7 hộ dân cuối tổ 1 chúng tôi, dài khoảng ba trăm mét, trước đây do địa hình phức tạp nên không đủ kinh phí để làm rộng theo tiêu chuẩn. Mong các vị xem xét nới rộng thêm để bà con đi lại thuận lợi hơn”.
Trong khi đó, ông Trần Như Nhạc (67 tuổi), khen: “Đối với các bộ phận ở xã thì tôi chưa thấy phền hà gì sau những lần lên giải quyết công việc. Riêng anh Hùng trưởng công an thì lúc nào cũng nhã nhặn, nhiệt tình. Qua việc làm đường bê tông vừa rồi, tôi cũng thấy anh Viện trưởng ấp và chị Mão phó ấp không chỉ nhiệt tình đi vận động bà con mà còn xắn quần áo lên làm. Những cán bộ như vậy thì người khác nên noi gương để phát huy…”. Vị giáo viên hưu trí này cũng đề xuất thêm: “Xã, ấp phải thường xuyên tổ chức lực lượng đi khơi thông cống, mương các tuyến đường trong xã. Nên quy định mỗi hộ gia đình có một túi đựng rác chứ không vứt bừa bãi trong vườn, ngoài đường gây ôi nhiễm và mất mỹ quan.
Cuộc họp diễn ra khá sôi nổi, với nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề về đời sống của bà con trong ấp. “Ấp 7 là ấp văn hóa, dân số toàn bộ là người kinh, bà con sống đoàn kết nên ít có sự việc bức xúc, chứ đi các ấp khác thì nghe được nhiều chuyện lắm”, ông Dũng nói.
Hiểu dân nhiều hơnSua phần ý kiến của người dân, chủ tịch xã đứng lên giải trình. Tiếp đó, trưởng công an xã thông báo về tình hình phạm tội trên địa bàn xã thời gian qua và tuyên truyền người dân về phòng chống tội phạm. “Hôm nay do phải làm hai nội dung nên không đủ thời gian bố trí cho đại diện các bộ phận khác tham gia. Những lần trước xã bắt đi hết, đi để những vị nào trong quá trình làm việc mà gây khó dễ cho dân, bị dân nêu tên thì lần sau không dám nữa”, ông Dũng nói.
Kết thúc buổi làm việc, ông Viện tỏ ra phấn khởi: “Tôi rất tâm đắc với cách làm này của xã. Việc gì cũng có thể giải quyết được nếu xã, ấp và người dân ngồi lại với nhau”. Còn ông Phương thì chia sẻ: “Là người dân, chúng tôi thấy mình được quan tâm. Xã mời bà con lên, không chỉ để lắng nghe, mà còn nói cho bà con hiểu thêm nhiều vấn đề…”.
Ông Dũng kể, qua những lần đi tiếp dân, đoàn được nghe nhiều chuyện “cười ra nước mắt”. Một phụ nữ đã không đồng ý “ly hôn”, mà đòi “tách hôn” với chồng chỉ vì lý do trước đây xã “kết hôn” cho họ. Một người khác lại cho biết, trước đây bán đất cho nhà kế bên chỉ đếm bằng bước chân, giờ xảy ra tranh chấp không nên khó giải quyết... Và nhiều câu chuyện khác mà qua đó, ông Dũng nghiệm ra: “Hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế quá, nhất là ở vùng đồng bào thiếu số”.
Ông Dũng cho biết thêm, để người dân có thể tham gia đầy đủ, các cuộc đối thoại thường được xã tổ chức vào ngày cuối tuần, hoặc vào ban đêm. Sau những đợt đối thoại, xã đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tham mưu giải quyết ngay những vấn đề bức xúc. Thời gian tới, xã sẽ tăng cường hoạt động đối thoại với dân, mặt khác sẽ phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể để tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người dân. “Dân có hiểu, có tin thì mới ủng hộ chính quyền. Muốn vậy chính quyền phải gần dân, lãnh đạo, cán bộ xã phải xuống dân nhiều hơn”, vị chủ tịch xã chia sẻ.
Buổi gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo, cán bộ xã An Khương với người dân ấp 7 ngày 8/5
Quang Trung