KÍCH CẦU THANH TOÁN SỐ
Từ nhiều tháng nay, các tiểu thương buôn bán tại khu vực chợ phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành được nhân viên nhà mạng Viettel hướng dẫn đăng ký, cài đặt ứng dụng Viettel Money để thuận tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Những mã VietQR đã được dán tại các quầy hàng của tiểu thương đăng ký mở tài khoản giao dịch điện tử để thuận tiện cho công việc kinh doanh, dễ dàng thanh toán các đơn hàng từ nhỏ đến lớn.
Nhân viên Viettel Bình Phước hướng dẫn người dân phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành cài đặt và sử dụng các dịch vụ thanh toán số
Bà Dương Thị Thúy ở phường Hưng Long cho biết: Giờ ra ngoài mình thường cầm điện thoại hơn là tiền mặt, lúc quên tiền cũng có thể thanh toán bằng ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại rất nhanh và tiện lợi.
Được chọn là phường CĐS toàn diện, Hưng Long đang thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích người dân trở thành những công dân số, khai thác hiệu quả các dịch vụ, nền tảng số do Nhà nước cung cấp, góp phần phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. “Phường đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp (DN) để tuyên truyền, thay đổi thói quen không dùng tiền mặt của người dân và các hộ kinh doanh, buôn bán. Đã có 385 hộ kinh doanh trong chợ được thiết lập tài khoản, 6.500 đơn vị kinh doanh mua - bán có tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt. Về chính quyền số, người dân được hướng dẫn khai thác triệt để các phần mềm thuộc hệ thống chính quyền điện tử trong cơ quan nhà nước và được hướng dẫn sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến, giảm dần số lần trực tiếp đến giao dịch, từ đó hình thành thói quen mới. Sự chủ động này là bước chuyển quan trọng giúp Hưng Long càng thuận lợi trong quá trình xây dựng phường CĐS. Đến năm 2025, Hưng Long phấn đấu 50-70% dân số trên địa bàn trở thành công dân số” - ông Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Long nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác triển khai Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Bình Phước nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên theo chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy
Thanh toán không dùng tiền mặt được xem là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, hướng đến tiêu dùng thông minh. Cộng đồng DN trong tỉnh, các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân đang hưởng ứng tích cực ngày CĐS và chương trình tháng 10 - Tháng tiêu dùng số bằng việc đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử, chữ ký số, thanh toán không dùng tiền mặt. Điển hình như Bệnh viện đa khoa Phúc An, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành mỗi ngày đón khoảng 400 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó 50% người bệnh lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt trong khám dịch vụ và bảo hiểm y tế.
Bác sĩ Lưu Trường Bách, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phúc An nhận định: Điều này không chỉ rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh của người dân, hạn chế những rủi ro phát sinh khi thanh toán viện phí mà bệnh viện cũng quản lý thu - chi tốt hơn. Cùng với thanh toán không dùng tiền mặt, bệnh viện đang đầu tư trang thiết bị hiện đại hướng đến bệnh viện thông minh.
ĐỂ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP BƯỚC VÀO KHÔNG GIAN SỐ
Bình Phước đã hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chíp cho 100% trường hợp đủ điều kiện; 328.660 tài khoản định danh điện tử mức độ 1, 2 được kích hoạt, tương đương 65% dân số. Cánh cửa bước vào thế giới số của người dân đang ngày càng thuận tiện và dễ dàng hơn bao giờ hết. “Mọi người dân đều có thể sử dụng căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử trong khám, chữa bệnh, giải quyết thủ tục hành chính… Đây sẽ là “chìa khóa” để mỗi người có thể sống, học tập và làm việc trên không gian mạng” - anh Lê Thanh Trà, thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng bộc bạch.
Huyện Đồng Phú thành lập tổ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính về đất đai tại bộ phận một cửa
Cùng với tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng thiết bị di động thông minh toàn tỉnh đạt 78%, mạng di động 3G/4G phủ sóng 100% thôn, ấp, hạ tầng công nghệ số phủ rộng đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu CĐS của mỗi địa phương, mọi cơ quan, tổ chức và người dân. Đã có 378 lượt cán bộ là lãnh đạo, công chức UBND cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn về CĐS. Tiến trình CĐS đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, trong đó người dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là nguồn lực vừa là đối tượng thụ hưởng.
Ngày CĐS tỉnh Bình Phước năm nay có chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới” với hàng loạt chuỗi sự kiện hưởng ứng. Điểm nhấn nổi bật là lĩnh vực kinh tế số. Bên cạnh sự chủ động của nhiều DN, tỉnh đã hỗ trợ 4 DN, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử bán hàng và 10 DN, hợp tác xã tham gia bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Sàn giao dịch nông sản Bình Phước đã hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đăng ký thành viên, tham gia 93 gian hàng với 380 sản phẩm quảng bá, chào bán trên sàn.
Thành phố Đồng Xoài triển khai nhiều hoạt động khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ ngân hàng số
Thương mại điện tử không phải là thế mạnh, thế nhưng tỉnh Bình Phước cũng đạt con số ấn tượng. Số lượng người tiêu dùng trung bình mua sắm trực tuyến ước khoảng 564.928 người, doanh thu thương mại điện tử năm 2023 ước đạt 2.260 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 68.500 tỷ đồng. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của tỉnh năm 2023 ước đạt 3,3%. Cùng với đó, thanh toán trực tuyến đối với lĩnh vực dịch vụ công đạt hơn 26.500 giao dịch với tổng hơn 120 tỷ đồng...
HUY ĐỘNG SỨC MẠNH TOÀN DÂN
Hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia và Ngày CĐS của tỉnh năm nay, các DN viễn thông Bình Phước triển khai nhiều sự kiện ưu đãi khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của các đơn vị, tổ chức, DN. “Viettel Bình Phước xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin phù hợp nhu cầu người dân, DN. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trường học, điểm kinh doanh, buôn bán bằng cách miễn phí cài đặt 100% các điểm chấp nhận thanh toán, nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi khách hàng khi đăng ký sử dụng sản phẩm, dịch vụ số, từ đó kích cầu tiêu dùng số” - ông Vũ Tuấn Dũng, Giám đốc Viettel Bình Phước cho biết.
Lãnh đạo UBND tỉnh tham quan các phần mềm, giải pháp công nghệ của các nhà mạng viễn thông đang cung cấp cho người dân, doanh nghiệp
Ngày CĐS năm nay sẽ tập trung trang bị cho người dân về cách tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; dịch vụ thanh toán số, ứng dụng nền tảng số; mua sắm, thanh toán trực tuyến... Điểm nhấn là cuộc thi tìm hiểu về CĐS đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia, với gần 5.000 lượt người dự thi. Ông HOÀNG VĂN HẬU, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông |
Mục tiêu CĐS là phục vụ người dân. Mỗi người dân trở thành công dân số thì CĐS mới thành công. Do vậy, CĐS mang ý nghĩa của một cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hành động đồng bộ ở các cấp. Thông qua các hoạt động của ngày CĐS, tỉnh Bình Phước tiếp tục nâng cao hiểu biết cho toàn xã hội về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động CĐS, đưa CĐS trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng quản trị bền vững.
Tác giả: theo baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn