Năm qua, nhiều sở, ngành, địa phương đã nỗ lực vươn lên, đạt thứ hạng cao hơn so với năm 2022. Chỉ số CCHC trung bình của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đạt 88,05%; các huyện, thị xã, thành phố đạt 89,33%. Có 14/31 cơ quan, đơn vị, địa phương có chỉ số đạt từ 90% trở lên; 16/31 cơ quan, đơn vị, địa phương có chỉ số dưới 90%; chỉ 1 cơ quan có chỉ số dưới 80% và không còn cơ quan có chỉ số dưới 70%. Việc xếp hạng chỉ số CCHC năm 2023 dựa trên nhiều tiêu chí, thể hiện khá toàn diện các mặt hoạt động, trong đó đáng chú ý vẫn là tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân được nâng lên. Những tháng đầu năm 2024, việc triển khai nhiệm vụ CCHC trên địa bàn tỉnh qua các tiêu chí như: Chỉ số CCHC của tỉnh; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước… Hay chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi số cấp tỉnh cũng cải thiện đáng kể so với kết quả năm 2023. Điều đó cho thấy ý chí, quyết tâm chính trị rất cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả việc CCHC.
Không phải ngẫu nhiên mà Bình Phước, một địa phương gần như không có nền tảng ban đầu để triển khai chuyển đổi số - một xu hướng tất yếu của CCHC đã vươn lên top đầu cả nước về chuyển đổi số và liên tục trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu về số lượng dịch vụ công trực tuyến tích hợp, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn cho người dân, tổ chức đạt gần 100%; chỉ số về mức độ hài lòng của người dân trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ luôn đạt từ 98% trở lên. Điều đó góp phần đẩy mạnh CCHC và tỉnh cũng coi đây là mục tiêu quan trọng, là yếu tố then chốt để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, giúp Bình Phước trở thành địa phương xếp thứ 14 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong năm 2023.
Trước đây, để giải quyết một thủ tục hành chính, người dân phải đi qua nhiều “cửa” và đi lại nhiều lần, tốn nhiều thời gian, chi phí đi lại mới có thể hoàn thành. Nay, với 93 thủ tục hành chính trực tuyến, không sử dụng hồ sơ giấy, thật khó mà tính hết được lợi ích kép mà nó mang lại. Về phía người dân, không chỉ không mất thời gian đi lại và chi phí giấy tờ khi thực hiện các thủ tục mà đôi khi “hành là chính”, còn là cơ hội để nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin và có thể chủ động gửi hồ sơ mọi nơi, mọi lúc, chỉ cần có internet. Về phía cơ quan công quyền, việc sử dụng hồ sơ trực tuyến sẽ góp phần làm minh bạch các thủ tục hành chính, tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ, công chức. Từ đó, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tác giả: theo baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn