Doanh nghiệp chuyển mình và hành động
Trong khi nhiều DN còn đang loay hoay, chưa biết bắt đầu từ đâu và đâu là vấn đề DN cần làm trên tiến trình CĐS thì từ năm 2020, Công ty cổ phần xăng dầu Petro Bình Phước, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài đã bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử, biên lai điện tử, chữ ký số, giải pháp về an toàn mạng và các dịch vụ viễn thông vào quy trình vận hành. Chuyển đổi từ thủ công qua áp dụng phần mềm đã từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Chị Nguyễn Thị Xuân Ly, Trưởng phòng Tài chính công ty chia sẻ: “Sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử, DN có thể gửi trực tiếp cho khách hàng thông qua tin nhắn điện tử và dễ dàng tra cứu thông tin hóa đơn, kiểm soát phát hành hóa đơn hằng ngày. Bên cạnh đó, khi thực hiện hóa đơn điện tử, kế toán công ty có thể kiểm tra chính xác số thuế phải nộp. Giải quyết công việc hoàn toàn trên hệ thống nên mặc dù khối lượng công việc hằng ngày rất lớn nhưng không khâu nào bị ùn tắc”.
Công ty cổ phần xăng dầu Petro Bình Phước, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài chủ động số hóa các hoạt động trong vận hành doanh nghiệp
Dữ liệu của công ty ngoài các con số, còn có hình ảnh, video hành trình theo ngày, tuần, hệ thống giám sát hành trình đóng vai trò quan trọng trong thu thập và sao lưu dữ liệu. Ứng dụng công nghệ số vào quản lý đang là giải pháp giúp DN tinh gọn bộ máy, tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và tối ưu hóa quy trình từ quản lý đến vận hành.
Ông Nguyễn Hữu Thanh Tùng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần xăng dầu Petro Bình Phước cho biết: Để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh mới, công ty đã chủ động triển khai CĐS trên toàn hệ thống. Với số lượng nhân viên khoảng 300 người, số hóa hoạt động quản trị DN như: quản lý văn bản, phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, tuyển dụng… đã giúp lãnh đạo công ty nhàn hơn. Quy trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng chuyên nghiệp hơn, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh cho DN trên thị trường.
Để bắt đầu CĐS, không nhất thiết phải đầu tư quá lớn mà vẫn có những giải pháp có thể thực hiện ngay tại DN, nhất là việc tái cấu trúc sản xuất, tinh gọn bộ máy, đồng thời ứng dụng những công nghệ, số hóa, phần mềm vào sản xuất, kinh doanh để giảm nhân công lao động. Tiếp đến là quảng bá, bán hàng trên sàn thương mại điện tử… Anh Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe, thị xã Phước Long cho biết: Đầu tư từng bước, từ khâu đơn giản là lựa chọn nhân sự làm việc đến quy trình sản xuất đã giúp công ty đạt được các chứng nhận như OCOP 4 sao, chỉ dẫn địa lý, Halal, tiêu chuẩn ISO để có thể xuất hàng đi các nước trên thế giới. Cùng với đó, 30% sản phẩm của công ty đang tham gia bán trên các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Sendo, Shopee… nhờ biết tận dụng thế mạnh công nghệ.
Trong mục tiêu xây dựng vững chắc “kiềng 3 chân”: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số thì cộng đồng DN chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số. Các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tuyên truyền về nền tảng số, tiện ích số… liên tục được tỉnh tổ chức phục vụ DN, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, các hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã đã tận dụng tốt lợi thế này để áp dụng vào quy trình vận hành như các gói dịch vụ: Vmark - sản phẩm phục vụ truy xuất nguồn gốc; hợp đồng điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt… |
Đa dạng kênh hỗ trợ - kết nối
Trong kế hoạch phát triển kinh tế số của Bình Phước giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030, mục tiêu tổng quát của tỉnh là tạo điều kiện thuận lợi để DN ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều DN dù muốn CĐS nhưng nguồn vốn và nhân sự còn hạn chế nên chưa thể tiếp cận hay ứng dụng các công nghệ hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, các DN, nhất là DN nhỏ và vừa cần thêm những trợ lực.
Liên tục nghiên cứu, cải tiến và phát triển các phần mềm công nghệ trong quản lý, kinh doanh, sản xuất và phát triển nguồn nhân lực là những giải pháp giúp Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ (TX. Phước Long) bắt kịp xu hướng chuyển đổi số doanh nghiệp
Ông Nguyễn Quang Anh Quyền, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Bình Phước cho rằng: Bên cạnh phát triển khách hàng cá nhân, từ năm 2023, VietinBank tập trung vào phát triển khách hàng DN. Một trong những giải pháp chúng tôi đưa ra là các gói vay ưu đãi, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất cho DN. VietinBank đang tập trung phát triển các ứng dụng dành cho khách hàng DN, các gói tài trợ cho dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng, quản lý dòng tiền, thanh toán quốc tế… cùng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực tiếp cận các nguồn tài chính đa dạng cho DN nhỏ và vừa.
Công ty cổ phần ván sàn Kim Tín, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú sử dụng công nghệ sản xuất mới tự động và bán tự động vào từng công đoạn để nâng cao chất lượng sản phẩm
Theo các chuyên gia, để bắt đầu CĐS, không nhất thiết phải đầu tư quá lớn mà có thể tái cấu trúc sản xuất, tinh gọn bộ máy, đồng thời ứng dụng các phần mềm từ đơn giản nhất vào từng quy trình sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Epal, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển OpenLive (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: Nhiều DN dù muốn CĐS nhưng với nguồn vốn và nhân sự còn hạn chế nên chưa thể tiếp cận hay ứng dụng các công nghệ hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện trên thị trường, các giải pháp số hóa trong hoạt động tiếp thị, bán hàng, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị nhân sự… có nhiều phân khúc khác nhau, DN tùy nhu cầu mà có lựa chọn phù hợp để vận hành.
Ông Huỳnh Văn Thành, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần MISA (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ thêm: Misa đã phát triển nền tảng quản trị DN hợp nhất Misa Amis. Hệ sinh thái Misa Amis cho phép DN lựa chọn triển khai một số nghiệp vụ theo nhu cầu và sẵn sàng đáp ứng bổ sung các nghiệp vụ khác khi DN mở rộng quy mô và gia tăng thêm nhu cầu quản lý ở các lĩnh vực khác. Misa đang hỗ trợ gần 5.000 DN CĐS của Bình Phước sử dụng các ứng dụng hóa đơn điện tử, tài chính kế toán, quản trị nhân sự, quản trị điều hành, quản trị bán hàng…; các DN từ siêu nhỏ đến nhỏ và vừa đều có các gói CĐS phù hợp từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 8%. Tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%. Tỷ lệ DN sử dụng hợp đồng điện tử đạt 60%. Tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, DN đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh. |
Sự phát triển lớn mạnh, bền vững của cộng đồng DN có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi từng DN cần nhìn nhận rõ sức lực lẫn mục tiêu cụ thể, lợi ích mà CĐS mang lại, từ đó xác định được vị trí của mình trong làn sóng CĐS để có chiến lược đầu tư, phát triển phù hợp. Trên cơ sở nghị quyết về CĐS, tỉnh đang đầu tư dòng ngân sách hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích DN đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để hướng đến nền kinh tế số trong tương lai.
Tác giả: theo baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn