Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng của một nông dân ở xã Đồng Nơ

Thứ ba - 19/07/2016 14:08

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng của một nông dân ở xã Đồng Nơ

Hiện nay, diện tích trồng tiêu cả nước đã gấp đôi quy hoạch của ngành nông nghiệp, cung sẽ vượt cầu thế nhưng hàng ngàn nông dân vẫn “rời bỏ” cao su để “chạy theo’” cây tiêu. Trong bối cảnh đó, ông Dương Truyền Thống ấp Đồng Tân xã Đồng Nơ (Hớn Quản) đã chọn cho mình một hướng đi riêng khác người đó là chặt bỏ cao su trồng dừa xen chuối, sả và các loại cây ngắn ngày khác. Tấm gương cần cù, chịu thương chịu khó, nhạy bén, chủ động tìm hướng đi triển vọng trong phát triển kinh tế của ông sẽ là bài học quý cho nhiều nông dân trong tỉnh.
Không chạy theo số đông
Xác định dừa, chuối,… là các loại cây trồng nhỏ lẻ tại tỉnh Bình Phước sẽ có lợi thế ít cạnh tranh trên thị trường, cung ít hơn cầu người trồng có thể chiếm ưu thế về đầu ra và giá thành sản phẩm, ông Thống đã dành 1ha đất trồng cao su chuyển đổi sang trồng chuối già Nam Mỹ xen 250 cây dừa xiêm cao sản, cây sả, khoai mỡ... Trong đó, dừa là cây trồng chủ lực với khoảng thời gian 3 năm sẽ cho thu hoạch. Ông Thống bày tỏ quan điểm: “ người ta chọn những cây công nghiệp như cây tiêu, cây điều, còn tôi phá cao su trồng dừa, chuối vì lí do mình chọn cây trồng độc quyền, không chạy theo số đông. Tôi không chạy theo cây tiêu vì cây tiêu giá trị kinh tế cao nhưng rủi ro, dịch bệnh nhiều và chăm sóc cực.”
Để lấy ngắn nuôi dài, ông Thống đã trồng xen 800 cây chuối già Nam Mỹ, đây là loại chuối có đặc điểm trái to, giàu dinh dưỡng chủ yếu dùng cho xuất khẩu. Dù là loại cây lấy ngắn nuôi dài với khoảng thời gian 11 tháng cho thu hoạch nhưng đem lại nguồn thu không hề nhỏ. Hơn một tháng qua, ông đã thu được trên 100 triệu đồng từ chuối, đối với loại chuối này ông Thống còn thu được 2 thế hệ trái nữa sẽ phá bỏ khi cây dừa đã lớn.
Với mức đầu tư cho mô hình tổng hợp này hết khoảng 70 triệu đồng, ông Thống đã thu về trên 150 triệu đồng, trong đó 120 triệu đồng tiền chuối, 30 triệu đồng thu từ cây mì, khoai mỡ, sả. Số thu còn lại trên 1ha vườn này, ông ước tính đạt khoảng 280 triệu đồng, trong đó 180 triệu tiền chuối, 80 triệu tiền sả. Như vậy ông thu được trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí từ 1ha vườn trồng tổng hợp này nhưng không phải thức khuya, dậy sớm, dầm mưa giãi nắng như đối với trồng cao su.
Ông Hồ Công Thanh – Chủ tịch Hội nông dân xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản cho biết: Mô hình này bước đầu cho kết quả khả quan. Bà con áp dụng vào vườn mình, nên chuyển đổi loại cây trồng phù hợp với thực tiễn không nên chạy theo thị trường bởi quy luật cung vượt cầu cây trồng sẽ rớt giá. Cái hay ở ông Thống là ông biết lựa chọn loại cây bà con nông dân trồng nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của địa phương.
Không ngại khó, ngại khổ
Vượt lên những hoài nghi của người dân xung quanh về triển vọng và khả năng thích ứng của cây dừa đối với điều kiện ở địa phương, ông Thống đã đào mương âm xuống thành luồng rồi trồng cây xuống bởi dừa là loại cây ưa nước. Khi đào mương thấy đất xốp, màu mở ông liền nảy ra ý định trồng xen cây khoai mỡ, cây sả để tăng thu nhập, tận dụng tối đa nguồn dưỡng chất đã cung cấp cho đất, tránh để cỏ lên với phương châm không để đất nghĩ.
Xuất phát từ tư duy khác người, tinh thần chịu thương chịu khó, dám nghĩ dám làm, không ngại khó, ngại khổ, ông xác định đã trồng cây gì phải dành hết tâm huyết cho loại cây đó. Để có những bụi chuối to, dài, xanh mướt không chút tì vết, ông phải dùng bao bọc bên ngoài từng buồng chuối để tránh côn trùng đốt, xen kẽ giữa các nải chuối ông chèn giấy giúp hút ẩm, tránh cho chuối bị thâm kim, xịt thuốc trị nấm bệnh khi trái còn nhỏ.
Ông tâm sự: “Tôi muốn gửi đến bà con nông dân một thông điệp, bà con ai là chủ mảnh đất thì  phải chăm sóc, cực khổ, đầu tư  cho mảnh vườn, cho cây trồng  mới có thành quả được, đừng nghĩ rằng cây gì dễ trồng trồng rồi bỏ không chăm sóc thì tự nó tốt, nó mang lại lợi ích cho mình.
Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Dương Truyền Thống không chỉ góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất mà còn thể hiện hướng đi riêng có lợi thế trong cạnh tranh giá thành bởi ông chọn loại cây ít ai trồng. Với hướng đi táo bạo, không chạy theo số đông và ý thức chủ động tìm hướng phát triển sản xuất, mô hình kinh tế tổng hợp này của ông Thống bước đầu cho kết quả khả quan, trở thành điểm đến tham quan của các cấp lãnh đạo và học tập kinh nghiệm của nhiều nông dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, khó khăn lớn hiện nay ông Thống gặp phải là quy mô trồng chuối với diện tích 1ha không đủ lượng trái cho một chuyến xe của công ty đi thu gom. Vì vậy ông vẫn phải bỏ mối nhỏ lẻ cho các khu Công nghiệp ở Minh Hưng, Bình Dương …với giá bán 5.000 đồng/kg chuối, trong khi phía công ty thu mua tại vườn có giá 7.000 đồng/kg.  
Có thể thấy, những nông dân có tư duy làm kinh tế khác người như ông Thống ở Bình Phước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trái ngọt mà ông Thống hái được hôm nay phản ánh tinh thần siêng năng, cần cù, chăm chỉ trong lao động và cả quá trình đầu tư suy nghĩ, loay hoay giải bài toán vòng luẩn quẩn trồng chặt trồng, trồng cây gì, nuôi con gì. Bằng sự nhạy bén, năng động, sáng tạo trong cách nghĩ cách làm, ông Thống là tấm gương nông dân chủ động tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp làm giàu cho bản thân và gia đình, đáng để nông dân học tập.
Thanh Mai - Lê Khương

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập124
  • Hôm nay939
  • Tháng hiện tại82,778
  • Tổng lượt truy cập23,925,319
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây