Gia đình ông Phạm Văn Sinh ấp Trung Sơn xã Thanh An, một trong những hộ nuôi dê ở địa phương cho biết: gia đình tôi đầu tư nuôi dê hơn một năm nay, ban đầu ông đầu tư hơn 20 triệu đồng làm chuồng trại và mua 10 con giống để nuôi thử, ông tìm hiểu và nắm được kỹ thuật nuôi, theo dỏi dê hằng ngày, nắm bắt các bệnh mà dê thường hay gặp phải như : đau bụng, lở mồm, móng, đau mắt…để điều trị kịp thời, tránh những thiệt hại cho đàn dê của gia đình. Đến thời điểm hiện tại đàn dê của ông đã phát triển được 20 con (một năm dê đẻ hai lứa, mỗi lứa hai con). Hiện tại ông Sinh không bán dê thịt mà dùng số dê con này để nhân giống, mở rộng đàn và tận dụng nguồn phân để bón cho vườn tiêu 1.200 nọc của mình. Theo ông Sinh:
phân dê sau khi được ủ đem bón cho vườn tiêu của gia đình không những giúp tăng năng xuất cay trồng mà còn góp phần cải tạo và tăng độ màu mỡ của đất, đồng thời sẽ tận dụng được nguồn phân bón tại chỗ, giảm được chi phí trong sản xuất nông nghiệp.Rời gia đình ông Phạm Văn Sinh, chúng tôi được ông Hà Đăng Trường, chi hội trưởng nông dân ấp Trung Sơn dẫn đến gia đình anh Nguyễn Tiến Quang ở ấp An Qúy, một trong những hộ nuôi dê đầu tiên của địa phương cho biết: Trước đây gia đình anh đầu tư nuôi heo, nhưng do dịch bệnh tai xanh, đàn heo của anh chết hết. Làm ăn thua lỗ, gia đình anh lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần chồng chất, anh phải bán đi vườn rẫy để trả nợ ngân hàng nhưng vẫn không hết. Vay mượn người thân số tiền ít ỏi , năm 2006 vợ chồng anh đầu tư vào nuôi dê, mới đầu tôi mua 8 con dê cái gây đàn, giá 42,000đồng/kg. Mất cả năm chăm sóc nhưng đến thời điểm bán giá dê thịt chỉ còn 18.000đồng/kg. Không nản, vợ chồng anh khuyên nhau bám vào đàn dê để sống, hằng ngày anh chị thay phiên nhau đi vào các vườn rẫy của người dân để tìm kiếm thức ăn cho dê, từ lá mít, lá keo, lá sung, dâm bụt, lá chuối, thân cây ngô…Tám năm kiên trì bám trụ, từ 8 con dê ban đầu nay đàn dê của anh đã lên tới 50 con. Bốn năm trở lại đây, nhờ giá cả ổn định 1kg dê thịt có giá từ 80 – 100 ngàn đồng, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh chị trên dưới 100triệu đồng. Hiện tại gia đình anh đã trả hết số nợ vay trước đây và xây được căn nhà mới khang trang, sắm đầy đủ các loại vật dụng trong gia đình.
Không những làm giàu cho bản thân, gia đình anh Quang còn vận động bà con trong ấp chăn nuôi dê để thoát nghèo. Anh hỗ trợ dê giống cho bà con và chịu trách nhiệm khâu tiêu thụ sản phẩm theo giá thị trường hiện nay. Anh Điểu Dũng, một người chăn nuôi dê ở ấp Bù Dinh cho biết: “
Anh Quang là người rất nhiệt tình, anh giúp đỡ tôi tận tình trong khâu chọn con giống tốt, hướng dẫn tôi cách phòng bệnh cho dê và cách làm chuồng trại đúng kỹ thuật…”.Dê là loại động vật ăn tạp, dể nuôi, khả năng kháng bệnh cao, chính nhờ những đặc tính đó nên nhiều người dân trên địa bàn xã Thanh An mạnh dạn đầu tư vốn. Chỉ cần số vốn nhỏ, những hộ gia đình đều có thể đầu tư vào chăn nuôi dê. Hiện nay giá dê thịt đang ổn định ở mức cao dao động từ 90-100.000 đồng/kg, dê giống có giá 120.000đồng/kg, một con dê giống 20kg có giá khoảng 2,5 triệu đồng, chỉ cần 15 triệu đồng, một hộ gia đình có thể đầu tư nuôi khoảng 6 con giống lúc ban đầu.
Ông Phạm Văn Sinh, đang ủ nguồn phân dê chuẩn bị bón cho vườn tiêu gia đình
Ông Sinh đang chă đàn dê của gia đình
Theo ông Hà Đăng Trường, chi hội trưởng nông dân ấp Trung Sơn thì hơn 1 năm nay trong ấp đã có thêm 8 - 9 hộ nuôi dê mới, trong đó có cả những hộ nghèo. Trong danh sách vay vốn của tổ trưởng Phạm Văn Sinh, hiện có hộ nghèo Thạch Chia, Tiêu Văn Nhã, Phạm Thị Thu Thủy..đang đăng ký vay vốn của ngân hàng chính sách để nuôi dê. Ông Trường phân tích: “Chỉ cần 10 triệu là người nghèo có thể nuôi được dê. Nuôi dê tốn ít công nên bỏ công có thể làm lời. So với nuôi heo, gà, vịt thì lãi nhiều hơn, thu hồi vốn nhanh hơn.
Việc chăn nuôi dê không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải cố gắng tìm hiểu và nắm được kỹ thuật nuôi, theo dỏi dê hằng ngày. Theo thống kê của Hội Nông dân xã Thanh An, hiện tại trên địa bàn xã đã có gần 50 hộ nuôi dê, nhưng hiện tại người dân chưa được học qua các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, cũng như cách chọn giống, chăm sóc và phòng bệnh cho dê. Để phong trào nuôi dê trên địa bàn xã Thanh An phát triển bền vững, mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân, giúp những hộ gia đình khó khăn có điều kiện thoát nghèo một cách bền vững và vươn lên làm giàu, đồng thời tạo ra một hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi cho những người dân vùng sâu, vùng xa. Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ các đơn vị chuyên môn nên vào cuộc để giúp đỡ bà con về kỹ thuật chăn nuôi, tránh được những thiệt hại cho người chăn nuôi.
QUANG ĐỨC