Từ 1/6/2024, sẽ thu hồi giấy phép xe tập lái nếu cho người khác sử dụng
Ngày 16/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Theo đó, từ ngày 01/6/2024, sẽ có 06 trường hợp thu hồi giấy phép xe tập lái, bao gồm:
- Cấp cho xe tập lái không đáp ứng một trong điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 138/2018/NĐ-CP );
- Bị tẩy xóa, sửa chữa;
- Để cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng vào mục đích đào tạo lái xe;
- Cơ sở đào tạo lái xe giải thể hoặc bị thu hồi Giấy phép đào tạo;
- Theo đề nghị của cơ sở đào tạo;
- Xe tập lái có lắp đặt và sử dụng từ 2 thiết bị DAT trở lên để gian lận trong quá trình đào tạo thực hành lái xe.
Nghị định 41/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2024.
6 trường hợp thu hồi Giấy phép lái xe từ ngày 1/6/2024
Nội dung được đề cập tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT ngày 31/3/2024 sửa đổi Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Cụ thể, các trường hợp thu hồi Giấy phép lái xe từ ngày 01/6/2024 gồm:
- Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp giấy phép lái xe;
- Người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe;
- Để người khác sử dụng giấy phép lái xe của mình;
- Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện;
- Có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng giấy phép lái xe, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký;
- Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 10 Điều 5; điểm h và điểm i khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp từ ngày 1/6/2024
Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập và trường cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Cụ thể, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
- Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu, có vị trí việc làm còn thiếu ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức xét thăng hạng và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng.
- Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02.
- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II), mã số V.07.01.02; đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT .
Điều kiện doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn quỹ phát triển từ 10/6/2024
Có hiệu lực từ 10/6/2024, Nghị định 45/2024/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu rõ điều kiện vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại Quỹ này gồm:
- Đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: Là doanh nghiệp nhỏ và vừa, được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh…
- Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, đảm bảo phù hợp tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
- Đảm bảo nguồn vốn tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đủ nguồn vốn để thựuc hiện dự án, phương án đó.
- Đáp ứng quy định về bảo đảm tiền vay.
(Nội dung được sửa đổi, bổ sung là khoản 1 Điều 16 Nghị định 39/2019/NĐ-CP).
Mẫu hồ sơ báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu từ 15/6/2024
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT về mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu sẽ có hiệu lực từ 15/6/2024.
Cụ thể, tại Thông tư này, mẫu hồ sơ báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu gồm có:
Mẫu hồ sơ yêu cầu áp dụng đối với quy trình chỉ định thầu thông thường:
- Mẫu số 1A: Lập hồ sơ yêu cầu gói thầu xây lắp;
- Mẫu số 1B: Lập hồ sơ yêu cầu gói thầu mua sắm hàng hóa;
- Mẫu số 1C: Lập hồ sơ yêu cầu gói thầu dịch vụ phi tư vấn;
- Mẫu số 1D: Lập hồ sơ yêu cầu gói thầu dịch vụ tư vấn.
Trong đó, với gói thầu hỗn hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, gói thầu áp dụng chỉ định thầu quốc tế hoặc mua sắm trực tiếp thì việc lập hồ sơ yêu cầu được vận dụng các mẫu trên đảm bảo không trái luật.
Mẫu kiểm tra hoạt động đấu thầu gồm các mẫu sau:
- Mẫu số 4.1A: Lập Kế hoạch kiểm tra định kỳ hoạt động đấu thầu;
- Mẫu số 4.1B: Lập Kế hoạch kiểm tra chi tiết;
- Mẫu số 4.2: Lập Đề cương báo cáo tình hình thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
- Mẫu số 4.3: Lập Báo cáo kiểm tra lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
- Mẫu số 4.4: Lập Kết luận kiểm tra lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
- Mẫu số 4.5: Lập Báo cáo phản hồi về tình hình thực hiện Kết luận kiểm tra…
Wepsite chính thống để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa từ 01/6/2024
Quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được nêu tại Thông tư 02/2024/TT-BKHCN sẽ có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.
Theo đó, người tiêu dùng có thể tra cứu trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia các thông tin sau đây:
- Tên và hình ảnh của sản phẩm, hàng hóa;
- Tên đơn vị và địa chỉ của đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa;
- Thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa;
- Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký tự và số seri sản phẩm (nếu có);
- Thời hạn sử dụng sản phẩm, hàng hóa (nếu có).