HỚN QUẢN CÓ 08 DANH MỤC ĐƯỢC CÔNG BỐ LÀ “TÀI NGUYÊN DU LỊCH TỈNH BÌNH PHƯỚC”

Thứ hai - 24/07/2023 21:22
Theo Quyết định số 3406/QĐ-SVHTTDL ngày 28/11/2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước về việc công bố Danh mục các tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉng, thì huyện Hớn Quản có 08 danh mục được công nhận là “Tài nguyên du lịch của tỉnh Bình Phước”.
HỚN QUẢN CÓ 08 DANH MỤC ĐƯỢC CÔNG BỐ LÀ “TÀI NGUYÊN DU LỊCH TỈNH BÌNH PHƯỚC”
1/ Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô – Thị trấn Tân Khai
Tàu Ô là tên gọi xuất phát từ suối Tàu Ô chảy ngang qua Quốc lộ 13 thuộc ấp 4, xã Tân Khai. Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, chốt chặn Tàu Ô có vị trí cách cống Tàu Ô (đoạn suối Tàu Ô chảy qua quốc lộ 13) khoảng 400m về hướng Bắc. Đây là một điểm chốt quan trọng trong hệ thống chốt chặn của Sư đoàn 7. Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô đã góp phần vào thành tích chung của chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang giai đoạn toàn thắng cả về quân sự và trên nghị trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình, ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Để tưởng nhớ cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 7, quân và dân địa phương trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 đã hi sinh vì nền độc lập dân tộc, năm 2009, được sự quan tâm về vật chất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Ban liên lạc Cựu Chiến Binh Sư đoàn 7, Sư đoàn 7 đã tổ chức xây dựng công trình Tượng đài chiến thắng Tàu Ô trên diện tích 11.451,7m2 , gồm 2 hạng mục công trình chính: Nhà bia tưởng niệm và Tượng đài chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô. Di tích đã trở thành địa chỉ đỏ của các chuyến về nguồn, tham quan, học tập của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Di tích Địa điểm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô là di tích tiêu biểu, có ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn. Ngày 29/3/2012, di tích Địa điểm Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
 
Tượng đài chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô - Ảnh: Báo Bình Phước

2/ Đình thần Tân Khai – Thị trấn Tân Khai
Đình thần Tân Khai được xây dựng vào năm 1901 để thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và ghi nhớ công ơn những người khai hoang lập làng, các bậc tiền hiền và để nhớ về quê xưa làng cũ. Đình thần Tân Khai đã trải qua 11 lần di dời . Di tích Đình thần Tân Khai là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Hằng năm, tại di tích diễn ra hai lễ hội lớn: Lễ Kỳ Yên vào ngày 18/3 âm lịch, ý nghĩa là cầu cho quốc thái dân an. Lễ Cầu Bông được tổ chức lớn nhất trong năm, diễn ra vào ngày 18/8 âm lịch, được tổ chức ba năm đáo lệ một lần, thời gian tổ chức từ 02 đến 03 ngày, có ý nghĩa như một nghi lễ mở đầu cho một mùa mới để cầu mong mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm. Bên cạnh đó, Đình thần Tân Khai còn diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống, được tổ chức và duy trì từ ngày lập Đình cho đến ngày nay. Điểm đặc biệt của lễ hội chọi trâu Đình thần Tân Khai là các ông trâu sau khi chọi, dù thắng hay thua đều không bị giết thịt mà được chăm sóc phục vụ việc cày cấy 3 và nhân giống. Đình thần Tân Khai được UBND tỉnh Bình Phước quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 18 / 8 / 2014.

3/ Di tích Chùa Đức Minh – xã Minh Đức - xã Minh Đức
Di tích Chùa Đức Minh gắn liền với các giai đoạn lịch sử của vùng đất Hớn Quản nói riêng và của vùng đất Bình Phước nói chung. Chùa là nơi chứng kiến và ghi dấu quá trình hình thành các đồn điền cao su của tư bản Pháp và hoạt động khai thác cao su của thực dân Pháp ở Hớn Quản nói riêng và Bình Phước nói chung, cùng với đó là những chính sách bóc lột sức lao động của tư bản Pháp đối với những người công nhân cao su Việt Nam. Trải qua các giai đoạn lịch sử, cùng với thăng trầm của dân tộc, Chùa Đức Minh vì vậy cũng trải qua nhiều biến động, được xây dựng trong giai đoạn Pháp thuộc 1936, bị bom đạn Mỹ đánh sập, được xây dựng lại năm 1995 và tu bổ năm 1997. Hiện nay, hầu hết các công trình của Chùa Đức Minh được xây dựng năm 1936 đều không còn dấu tích, chỉ còn công trình Cổng tam quan được gìn giữ, bảo vệ đến ngày nay. Đây là công trình có giá trị kiến trúc tiêu biểu thời Pháp thuộc tại Bình Phước nói riêng và của Việt Nam nói chung.

4/ Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng – xã Thanh An
Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng nằm trên dòng sông Bé thuộc huyện Phú Riềng – một bên là địa phận xã Thanh An, huyện Hớn Quản. Cùng với hai công trình thủy điện Thác Mơ và Cần Đơn, nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng được xây dựng và vận hành không chỉ đóng góp cho nguồn điện quốc gia mà còn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, tạo điều kiện phát triển thủy sản và du lịch.
5/ Hồ Sóc Xiêm - xã Tân Hưng
Thuộc xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, hồ Sóc Xiêm là một trong những khu du lịch sinh thái hấp dẫn và thú vị. Hồ nằm giữa thung lũng yên ả cạnh rừng cao su xanh bạt ngàn soi bóng. Đến đây du khách câu cá, thư giãn trên thảm lá, lắng nghe tiếng gió lao xao, tìm hiểu phong tục tập quán của dân tộc S’tiêng sinh sống ven hồ.

6/ Thác số 4
Nằm cách trung tâm thị xã Bình Long 10 km, thác số 4 được biết đến bởi cảnh quan thiên nhiên yên bình xen lẫn tiếng nước suối chảy róc rách, tiếng chim rừng ríu rít gọi nhau, tiếng lá xào xạc trong gió… tất cả những âm thanh đó hòa quyện vào nhau như một bản nhạc làm cho khung cảnh xung thêm phần sống động.

7/ Điểm Du lịch Phú Gia, xã Tân Hiệp
Nông trại Phú Gia được thành lập từ những năm sau giải phóng trên cơ sơ đất rừng chồi hoang hóa được nhà nước giao khoán canh tác lâu dài thuộc ấp 9, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Điểm du lịch Phú Gia được biết đến từ hình ảnh tổng thể của Nông trại Phú Gia khi nơi đây hội tụ các điều kiện thuận lợi (thời tiết, khí hậu, không gian, cảnh quan…và hoàn toàn miễn phí, mở tự do 24/7) cho các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời vào những nhịp cuối tuần của những nhóm gia đình, nhóm bạn bè cùng lứa tuổi. Nông trại Phú Gia có diện tích canh tác lớn (trên 650 ha), địa hình bằng phẳng và có đường đi thuận lợi, đa dạng các loại cây ăn trái, phong cảnh đẹp với nhiều khu vui chơi, giải trí được phân vùng rõ ràng như: Khu nhà hàng, khu vui chơi trẻ em, khu suối nhân tạo, khu picnic, khu vườn cây ăn trái, khu vườn cây quý hiếm, khu cây cọ… đáp ứng một phần nhu cầu tham quan, du lịch và vui chơi giải trí cho nhân dân trong khu vực và các vùng lân cận những dịp cuối tuần.

8/ Điểm Du lịch Thanh Tùng, xã Thanh An.
Với lợi thế sẵn có như Nhà hàng hình thành từ năm 2005, diện tích canh tác lớn (trên 7,4ha), có mặt hồ thủy điện bao quanh ½ diện tích đất dự án, điểm du lịch Thanh Tùng còn đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí, ăn uống, phong cảnh đẹp, lãng mạn được du khách trong và ngoài tỉnh yêu thích biết đến và lựa chọn làm điểm vui chơi giải trí cuối tuần, dịp Lễ, Tết. Từ lợi thế và thế mạnh trên, nhà hành Thanh Tùng còn có vị trí địa hình, địa lý thuận lợi, nhà hàng có điểm cao so với mặt nước 2m, có điểm bằng với mặt nước, từ trên cao nhìn xuống du khách sẽ chiêm ngưỡng được toàn bộ vẽ đẹp của nhà máy thủy điện, mặt hồ, các cồn nổi… Nhà hàng còn có 2 khu nhà với 8 nhà chòi là nơi phục vụ cho các hoạt động vui chơi, ăn, uống. Điểm du lịch Thanh Tùng còn có khu tổ chức hội nghị, sự kiện lớn đảm bảo cho 200 người ngồi và có các điểm cắm trại dã ngoại với diện tích 3000m2, có các điểm phục vụ giao lưu văn hóa văn nghệ như: chèo, thơ, biểu diễn võ thuật, đờn ca tài tử và câu cá giải trí…

Với tài nguyên du lịch phong phú như trên, cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện, tin tưởng Hớn Quản trong tương lai sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh./.

Tác giả: Xuân Cảnh: VHTT

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

văn bản
congbao
Công báo
facebook
khatvonghonquan
TỰ HÀO BÌNH PHƯỜC
SẢN PHẨM
Dịch vụ công quốc gia
Thống kê
  • Đang truy cập74
  • Hôm nay10,283
  • Tháng hiện tại388,185
  • Tổng lượt truy cập24,230,726
bank
 
bo phap dien
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây