Ngoài việc du khách sẽ được tham quan tìm hiểu các hiện vật lịch sử, văn hoá gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc S’tiêng như các vật dụng trong lao động, sản xuất, vật dụng sinh hoạt, lễ hội… Du khách được đắm chìm trong không gian đặc sắc văn hóa của người S’tiêng Bình Phước.
Cũng tại Chương trình, trong 3 ngày vừa qua, du khách đã được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, các điệu múa, cồng chiêng, chiêm ngưỡng Lễ hội Crac Băr mêy (Lễ hội mừng lúa mới được tái hiện) của cộng đồng người S’tiêng thuộc huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Lễ hội lớn của người S’tiêng thường được tổ chức sau vụ thu hoạch lúa để tri ân các vị thần như thần Lúa, thần Trời, thần Đất, thần Sông, thần Suối… và tri ân tổ tiên, ông bà đã phù hộ cho buôn, cho sóc có được vụ mùa bội thu.
Đoàn nghệ nhân Hớn Quản chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Khu di tích lịch sử Đại đạo Củ Chi.
Được biết, để phục dựng Lễ hội Crac Băr mêy đúng nguyên bản, UBND huyện Hớn Quản đã chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin mời những già làng, những nghệ nhân người S’tiêng ở xã Thanh An và xã An Khương đến tận khu di tích để thực hiện.
Lễ hội Crac Băr mêy của đồng bào S’tiêng được tổ chức nhằm truyền tải tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và cầu mong cho cộng đồng các dân tộc tỉnh nói riêng, đại gia đình các dân tộc Việt Nam luôn no đủ, mạnh giàu cùng nhau bảo tồn những nét đẹp văn hóa cổ truyền độc đáo của cộng đồng mình trên nền văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất.
Cũng tại không gian văn hóa này, du khách cũng được xem các hiện vật, không gian văn hóa người S’tiêng do Bảo tàng tỉnh Bình Phước thực hiện.
Đồng thời, được thưởng thức rượu cần, cơm lam, thịt nướng cho chính người S’tiêng người Bình Phước chế biến, phục vụ.